Con đường lý tưởng nhất để học chữ học đọc sớm

Đồ chơi là thiên sứ của trẻ

Từ trước đến nay, các nhà tâm lý học và các nhà giáo dục học trong và ngoài nước luôn đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của các hoạt động vui chơi đối với quá trình trưởng thành của trẻ em. Họ nói rằng chơi là bản tính trời cho của trẻ, đồ chơi là thiên sứ của chúng.

Đối với trẻ em, vui chơi là toàn bộ cuộc sống tinh thần, trò chơi dường như tham gia vào mọi hoạt động của trẻ. Trẻ học từng giờ từng phút, thông qua các trò chơi. Ăn cơm, mặc quần áo, tắm gội, đi lại đều là học thông qua trò chơi. Một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi cầm hộp kem dưỡng da và bôi lên cửa, lên chân bàn, miệng nói: “Bôi kem thơn cho các bạn”. Người lớn buồn cười với hành động này của trẻ, nhưng trẻ lại đang chơi rất nghiêm túc.

Tại sao trẻ em lại thích chơi như vậy?

Đó là do quy luật tự nhiên của việc phát triển tâm sinh lý. Khi cơ thể lớn lên, não phát triển, trí lực phát triển, trẻ có nhu cầu nắm bắt ngôn ngữ, thích ứng với cuộc sống, nhận thức thế giới, đều cần đến sự góp mặt của trò chơi. Tuy bản thân trẻ không tự ý thức được mình cần chơi, học, sinh trưởng phát triển, nhưng bản năng sống khiến chúng làm như vậy. Ngay cả các con vật cũng còn cần học bản lĩnh qua trò chơi (ví dụ như các chú cún đánh cắn nhau, gà con đuổi bướm…), huống chi con người?

Chơi là một loại hành vi quá độ khi trẻ muốn tham gia vào cuộc sống xã hội nhưng chưa đủ sức. Trong hành vi có tính chất quá độ này, trẻ có thể tự do biểu đạt mong muốn, học cách suy nghĩ, phát huy trí tưởng tượng, biểu đạt tình cảm, sáng tạo, bộc lộ khả năng, giành lấy niềm vui cuộc sống tinh thần mà chỉ con người nói có.

Chơi là nhu cầu tinh thần quan trọng nhất, là sự hưởng thụ vui vẻ nhất của trẻ em, là quá trình cần thiết để tạo ra một con người phát triển tốt và toàn diện. Theo quan điểm này, những trò chơi của trẻ em có ý nghĩa hơn sự giải trí sau khi lao động của người trưởng thành, bởi trò chơi của trẻ em chính là giờ học tạo nên mầm non nhân tài.

Bởi vậy, “Quy trình làm việc nhà trẻ” do Ủy ban giáo dục Quốc gia ban hành đã chỉ rõ, giáo dục trẻ phải “lấy trò chơi làm hoạt động cơ bản, tức là việc giáo dục phải được đặt trong các hoạt động vui chơi”. Trong “Điều lệ quản lý nhà trẻ” cũng quy định rõ: “Nhà trẻ nên lấy trò chơi làm hình thức hoạt động cơ bản”. “Có thể dựa vào thực tế của nhà trẻ để sắp xếp lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục, nhưng không được tiến hành các hoạt động trái với nguyên tắc giáo dục trẻ em, làm tổn hại đến sức khoẻ tâm sinh lý của trẻ”. Những quy định giáo dục đúng đắn này là kim chỉ nam cho những người làm công tác giáo dục trẻ em.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!