Những điều cần biết khi trẻ bị chàm

Trẻ bị chàm

Chàm eczema là một loại dị ứng ngoài da sinh ra một chứng nổi ban đỏ hết sức ngứa ngày, khô ở mặt, cổ tay và ở các kẽ chân tay. Ở trẻ nhỏ, chàm là bệnh khá phổ biến, gây khó chịu cho trẻ và lo lắng cho cha mẹ.

Chàm eczema là một loại dị ứng ngoài da sinh ra một chứng nổi ban đỏ hết sức ngứa ngáy, khô ở mặt, cổ tay và ở các kẽ chân tay. Dạng chàm thường gặp nhất ở trẻ em là chàm dị ứng, thường phát sinh ra khi em bé được khoảng hai, ba tháng tuổi, hoặc vào khoảng bốn đến năm tháng, khi bắt đầu cho ăn dặm. Một vài thức ăn, thông thường nhất là những sản phẩm từ sữa, trứng và lúa mì và những yếu tố kích thích da như lông chó, mèo, len hoặc bột giặt là những nguyên nhân chính gây bệnh. Tình trạng căng thẳng hay rối loạn cảm xúc có thể khởi sự một đợt phát chàm. Bệnh chàm thường có những chứng dị ứng khác đi theo như sổ mũi mùa hay tính mẫn cảm với penicillin hoặc đứa trẻ bị chàm mắc luôn bệnh hen suyễn. Mặc dù đa số trẻ em lớn lên quá ba tuổi thì hết bị chàm, nhưng các chứng dị ứng kết hợp có thể vẫn tồn tại.

Một hình thức chàm khác, có tên là chàm bã nhờn, hiện lên ở những nơi có nhiều tuyến bã. Chứng này rất thường gặp trên da đầu những em bé còn nhỏ (cứt trâu), trên lông mi và mi mắt (viêm mí mắt), trong ống tai ngoài (viêm tai ngoài) và ở những vùng da nhờn quanh lỗ mũi, tai và bẹn. Loại chàm bã nhờn này không ngứa như kiểu chàm dị ứng và dễ chữa trị hơn.

Triệu chứng bệnh chàm ở trẻ em có thể gặp:

  • Da khô, đỏ, đóng vẩy, có thể rất ngứa ngáy. Chứng nổi ban này bắt đầu từ những hạt bọng nước nhỏ li ti dưới bề mặt lớp da.
  • Khó ngủ, nếu ngứa dữ dội.

Bệnh chàm ở trẻ em có nghiêm trọng không?

Bị chàm không có gì là nghiêm trọng, song chứng bệnh này khiến cho người ta rất bực mình.

Việc gì phải làm trước tiên?

  1. Nếu bé hay gãi, bạn hãy kiểm tra cổ và da đầu, mặt, bàn tay và các nếp gập khuỷu tay, đầu gối và bẹn của bé xem có nốt ban nào không.
  2. Cắt ngắn móng tay bé để giảm thiểu khả năng gãi trầy da. Trong trường hợp da bé bị trầy, hãy đeo bao tay cho bé để tránh nhiễm trùng.
  3. Nếu bạn vừa mới tập cho bé cai sữa, thì chỉ nên cho bú trở lại sau khi đi khám. Trong trường hợp bạn đã sử dụng sữa bột theo công thức, hãy cho con bú bình trở lại.
  4. Bôi thuốc xức clamine có dầu để cho bớt ngứa và làm dịu da. Không thoa bất cứ loại thuốc nào làm săn da.

Có cần đi khám bác sỹ không nếu trẻ bị chàm?

Hãy đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt, nếu bạn nghi là bị chàm.

Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ bị chàm?

  • Bác sỹ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh trong gia đình, đặc biệt xem có ai đã từng bị những chứng bệnh liên quan tới chàm eczema, như suyễn hay sổ mũi mùa chẳng hạn.
  • Bác sỹ sẽ hỏi bạn xem có gì thay đổi trong chế độ ăn không, hay mới gần đây bạn có thay đổi nhãn hiệu bột giặt không, hay là bạn mới mang về nhà một con chó hay con mèo, và xem bé có mặc sát vào người những bộ đồ bằng sợi thiên nhiên hay nhân tạo.
  • Bác sỹ cũng sẽ khuyên bạn nên kiêng những thức ăn có thể đã gây nên phản ứng này như các sản phẩm từ sữa trứng và lúa mì.
  • Nếu bạn mới cai sữa cho bé từ chế độ bú mẹ hay bú bình, bác sỹ có thể khuyên bạn nên kiêng các sản phẩm từ sữa và tiếp tục cho bú mẹ hay bú bình. Nếu bạn không muốn làm như vậy, bác sỹ có thể khuyên bạn nên chuyển sang sữa đậu nành để thay thế.
  • Có thể bác sỹ kê đơn một thứ kem bôi da chống viêm để làm cho bớt đỏ, đóng vẩy và ngứa. Trong những trường hợp bị nặng, người ta có thể kê thêm những loại kem có steroid nhẹ. Chỉ được bôi chút xíu loại kem này lên da trẻ thôi.
  • Có thể bác sỹ kê toa một thứ thuốc kháng histamin để cho bé dễ ngủ nếu bé khó ngủ ban đêm vì ngứa.
  • Nếu bé đã gãi chỗ bị chàm và da đã trở nên nhiễm trùng, bác sỹ có thể kê toa thuốc kháng sinh.
  • Bác sỹ có thể khuyên bạn nên thêm dầu vào nước để tắm cho bé và ngưng dùng xà bông. Xà bông có thể là một chất kích thích đối với làn da sẵn mẫn cảm; chất dầu sẽ giúp cho da bé được mềm mại và bớt khô.

Giúp trẻ bị chàm bằng cách nào?

  • Hãy dùng một thứ kem làm mềm da khi bé tắm rửa. Kem này sẽ giữ cho da bé được mềm và tránh cho da khỏi khô và làm dịu chứng ngứa.
  • Trước mặt bé hãy làm như bạn không hề lo lắng về căn bệnh. Bạn mà lo âu có thể làm cho bệnh nặng thêm.
  • Cắt sát móng tay cho bé và cho đeo bao tay ban đêm để tránh gãi trầy da bị nhiễm trùng.
  • Hãy cẩn thận xả nước thật kỹ tất cả các quần áo của bé và bất cứ thứ gì mặc sát da, để cho sạch hết mọi dấu vết bột giặt và thuốc tẩy.
  • Có thể bạn phải nghĩ tới việc đem cho đi con chó hay mèo trong nhà, nếu tìm ra chứng chàm là do dị ứng với lông thú.
  • Lúc nào cũng cho bé mặc đồ lót bằng bông sợi.
  • Không nên loại bỏ bất cứ thức ăn nào trong chế độ ăn của bé mà không có sự kiểm soát của bác sỹ.
  • Hãy tìm cách loại bỏ càng nhiều yếu tố kích thích càng tốt ra khỏi môi trường xung quanh bé. Ví dụ, các gối nhồi bông hay lông tơ gia cầm có thể là một nguyên nhân gây dị ứng.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!