Những điều cần biết khi trẻ bị đái tháo đường

đái tháo đường ở trẻ em

Đái tháo đường là một chứng bệnh khá phổ biến ở người lớn. Tuy nhiên, các trường hợp trẻ nhỏ mắc đái tháo đường đang ngày càng tăng. Cha mẹ cần làm gì để phòng và điều trị đái tháo đường cho bé.

Có hai dạng bệnh đái tháo đường: một dạng bệnh ở trẻ con và các thanh niên, và một dạng bệnh xảy ra ở tuổi trung niên. Cả hai dạng này đều do thiếu hay tương đối thiếu insulin trong cơ thể. Insulin là kích thích tố đảm trách việc chuyển hóa bình thường của đường glucose trong cơ thể (chủ yếu chúng ta nhận đường glucose trong khẩu phần thức ăn dưới dạng bột đường). Insulin do tuyến tụy sản xuất và sau đó đẩy mạnh tiến trình hấp thu glucose từ máu vào các tế bào cơ thể và vào gan để tích trữ. Nếu cơ thể thiếu insulin, đường glucose tích tụ trong máu và các tế bào trong cơ thể bị tước mất nguồn năng lượng của mình. Để bù lại tình trạng khiếm khuyết ấy, cơ thể phải phân hủy chất béo và chất đạm để thay thế năng lượng đã mất. Phương tiện sản xuất năng lượng này dẫn tới sụt cân và sinh ra những chất cặn bã độc hại, như acetone và các chất cetone. Chỉ số đường bình thường trong máu là từ 4,4 – 6,1 mmol/ lít.

Ở trẻ nhỏ, bệnh đái tháo đường có thể xuất hiện một cách rất đột ngột, không rõ nguyên nhân tại sao, mặc dù bệnh có thể có tính di truyền. Bởi lẽ phần glucose dư trào ra nước tiểu, nên triệu chứng đầu tiên ở trẻ con là đi tiểu ra những lượng nước tiểu lớn mỗi giờ; và bởi vì cơ thể mất nước đi, bé sẽ rất khát nước. Cháu cũng có thể bắt đầu đái dầm.

Triệu chứng đái tháo đường ở trẻ em có thể gặp:

  • Đi ra những lượng nước tiểu lớn mỗi giờ, có thể dẫn tới đái dầm.
  • Khát nước gia tăng.
  • Sụt cân.
  • Dễ kích thích và mệt mỏi.
  • Hơi thở có mùi tinh dầu lê, có nghĩa là acetone.
  • Giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng.

Giúp bé bị đái tháo đường bằng cách nào?

Chẩn đoán bệnh được xác nhận bởi các xét nghiệm máu cho thấy mức đường glucose trong máu có độ cao không thích nghi. Bác sĩ sẽ kê toa cho bé một chế độ chích insulin – các dịch tiêu hóa hủy insulin uống vào đường miệng – và bạn cùng bé sẽ được dạy cho cách chích. Nhiều trẻ con trên năm tuổi tự chích cho bản thân một cách tự tin, dưới sự kiểm soát của cha mẹ. Insulin phải được chích hàng ngày và nhiều khi hai lần mỗi ngày để giữ cho mức glucose trong máu nằm trong giới hạn bình thường.

Bé cần đến một chế độ ăn đặc biệt để giữ cho đường glucose trong máu được ổn định suốt ngày. Không được bỏ một bữa ăn nào.

Bệnh viện sẽ cung cấp cho bạn những thiết bị y tế đặc biệt dùng ở nhà để làm xét nghiệm xác định lượng đường trong nước tiểu mỗi ngày. Kết quả sẽ giúp bạn điều chỉnh liều insulin để giữ cho mức glucose của bé được bình thường.

Người ta cũng có thể chỉ cho bạn cách đo mức đường glucose trong máu bằng việc sử dụng một giọt máu lấy từ đầu ngón tay của con bạn. Điều lưu ý là bé cần có một tấm thẻ đeo tay hay đeo cổ, có khắc những chi tiết về bệnh tiểu đường, lỡ khi có vấn đề gì xảy ra lúc bạn không có mặt bên cháu. Vì trẻ có bệnh tiểu đường rất hay mắc bệnh nhiễm trùng, hãy đi khám bác sỹ ngay khi bé bị bất cứ bệnh nhiễm trùng nào; tình trạng nhiễm trùng có thể làm thay đổi nhu cầu về insulin của con bạn.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!