Những điều cần biết khi trẻ bị viêm tai ngoài

trẻ bị viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài là một tình trạng nhiễm trùng của ống tai ngoài – tức là đường dẫn từ vành tai tới màng nhĩ. Chứng viêm tai ngoài có thể lan ra các xương sọ và có khả năng lan tới não nên cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Viêm tai ngoài là một tình trạng nhiễm trùng của ống tai ngoài – tức là đường dẫn từ vành tai tới màng nhĩ. Nguyên do của tình trạng nhiễm trùng này có thể là một vật lạ trong tai, một cái nhọt trong ống tai, hoặc là hậu quả của một vết thương da do kỳ cọ hoặc gãi quá mạnh. Chứng nhiễm trùng thường xảy tới hơn cho những trẻ em nào bơi lội nhiều. Triệu chứng của nó là đau tai, tấy đỏ, sưng, ngứa, da khô và tróc vảy hoặc chảy mủ.

Bệnh viêm tai ngoài có nghiêm trọng không?

Vì ống tai ngoài không chứa dựng các cấu trúc thính giác tinh vi của tai, tình trạng nhiễm trùng này tương đối nhẹ. Tuy nhiên, bao giờ cũng phải chữa trị chứng viêm tai ngoài vì tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra các xương sọ và có khả năng lan tới não. Bất cứ dịch nào chảy ra từ tai cần phải chữa trị một cách cẩn trọng vì nó có thể là triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng tai giữa, dẫn đến chứng viêm tai giữa.

Triệu chứng bệnh viêm tai ngoài có thể gặp ở trẻ em

  • Đau tai.
  • Vành tai và ống tai ngoài đỏ và đụng tới là đau.
  • Có nhọt mưng mủ trong lỗ tai, vùng bị viêm.
  • Tai chảy mủ.
  • Tai ngứa, khô và tróc vảy.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị viêm tai ngoài?

  1. Nhìn tai và nhìn vào trong ống tai ngoài để kiểm tra xem có bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng hay vật lạ nào không? Bạn hãy lấy vật lạ đi nếu làm được việc đó một cách dễ dàng.
  2. Không đẩy hay thọc bất cứ cái gì vào tai con bạn và bạn hãy ngăn bé đụng hay gãi tai nếu tai đau.
  3. Hãy kéo nhẹ vành tai về đằng sau để xem như thế có làm bé đau không.
  4. Hãy lau sạch bất cứ dịch gì chảy từ trong tai ra bằng nước ấm và xà-bông.
  5. Cho bé uống một liều paracetamol nước để làm giảm đau và đặt một miếng bông gòn lên tai để có nước gỉ chảy ra thì thấm vào đó.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ bị viêm tai ngoài?

Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu bạn để ý thấy có bất cứ dịch gì chảy từ trong tai ra hoặc nếu bạn nghi ngờ ống tai ngoài bị nhiễm trùng.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ bị viêm tai ngoài?

  • Bác sĩ sẽ khám tai cho bé bằng một ống soi tai và lúc đó có thể bác sĩ làm sạch tai với một cây que thăm dò. Chắc hẳn là bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh nhỏ tai hay thuốc kháng sinh viên để chữa khỏi chứng nhiễm trùng.
  • Trong trường hợp vẫn còn một vật lạ trong tai con bạn, bác sỹ sẽ lấy nó ra hay giới thiệu bé đi bệnh viện để người ta lấy vật lạ ra.
  • Nếu chứng đau bắt nguồn từ một cái nhọt, bác sỹ có thể rạch nó ra cho mủ thoát đi hết; như vậy sẽ làm giảm đau gần như tức khắc.

Giúp trẻ bị viêm tai ngoài bằng cách nào?

  • Hãy cho bé những viên paracetamol dành cho trẻ em hoặc paracetamol nước theo lời khuyên của bác sĩ nếu tình trạng viêm tai còn đau.
  • Hãy ngăn đừng cho nước chảy vào tai khi tắm cho đến khi khỏi hẳn bệnh. Đừng cho bé đi bơi lội.
  • Đừng đụng vào ống tai ngoài của con bạn. Rửa chung quanh vành tai nhưng đừng bao giờ thọc que tăm quấn bông gòn vào trong lỗ tai để lấy sạch ráy tai chẳng hạn. Ráy tai không có cái gì bất thường. Đó là chất nhờn tự nhiên, ngăn chặn được vi trùng gây bệnh. Bất cứ miếng bông gòn hay mẩu khăn mặt vắt xoắn lại sẽ chỉ đẩy ráy tai vào sâu thêm trong lỗ tai hoặc làm tổn thương lớp niêm mạc, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng mà thôi.
  • Đừng bao giờ sử dụng thuốc nhỏ tai đặc hiệu trừ khi bác sĩ có lời khuyên nên nhỏ.

Xem thêm:

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!