Những điều cần biết khi trẻ mắc chứng tinh hoàn ẩn

trẻ mắc chứng tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn ẩn là hiện tượng một bên tinh hoàn không di chuyển xuống bìu dái. Nếu sau năm đến sáu tuổi mà tinh hoàn của trẻ chưa di chuyển xuống đầy đủ thì cần tiến hành phẫu thuật.

Các tinh hoàn lớn lên và phát triển trong ổ bụng, gần thận, trước khi một bé trai sinh ra. Sau khi bé ra đời, chúng sẽ di chuyển xuống vào vị trí bình thường trong cái túi da có tên là bìu dái.

Để cho tinh hoàn phát triển bình thường ở tuổi thanh niên và sản xuất ra được tinh dịch, điều cần thiết với chúng là phải treo bên ngoài cơ thể. Đó là vì tiến trình sản xuất tinh dịch chỉ có thể diễn ra ở một nhiệt độ hơi thấp hơn nhiệt độ bên trong cơ thể. Nếu các tinh hoàn – hay thông thường hơn, một bên tinh hoàn – không xuống được, tinh dịch sẽ không được sản xuất một cách bình thường và kích thích tố testosterone cũng thế (kích thích tố này sinh ra các đặc tính nam giới như giọng trầm hơn và lông trên cơ thể chẳng hạn). Trên lý thuyết, một bên tinh hoàn xuống được cũng sẽ đủ để sản xuất ra tinh dịch và các kích thích tố nam, tuy nhiên nếu các tinh hoàn của bé vào khoảng tuổi lên năm hay lên sáu, mà vẫn chưa xuống được thì chắc hẳn phải giải quyết vấn đề bằng phẫu thuật.

Chứng tinh hoàn ẩn có nghiêm trọng không?

Tinh hoàn không xuống chẳng có gì là nghiêm trọng và dấu hiệu này không gây nên vấn đề gì về sức khỏe trong thời kỳ thơ ấu cả.

Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ mắc chứng tinh hoàn ẩn?

Khi một em bé trai sinh ra, một bác sĩ nhi khoa sẽ khám tinh hoàn của em bé để xem chúng đã xuống chưa. Nếu chưa, người ta sẽ cho bạn biết sự việc này và trấn an bạn là tinh hoàn có thể xuống một cách tự nhiên. Nếu tinh hoàn em bé của bạn chưa xuống lúc sinh, thỉnh thoảng bạn hãy sờ nắm xem trong bìu có tinh hoàn chưa. Trong trường hợp tinh hoàn đã xuống, chúng sẽ được cảm nhận thấy là nhỏ – mỗi hòn có kích cỡ khoảng bằng một hạn đậu. Bạn hãy làm ấm đôi bàn tay trong khi nắn, bằng không các tinh hoàn có thể tạm thời co lên vào ổ bụng.

Có cần đi khám bác sĩ không khi trẻ mắc chứng tinh hoàn ẩn?

Bác sĩ sẽ để ý đến vấn đề này của em bé và sẽ kiểm tra bìu dái một cách đều đặn.

Bác sĩ có thể làm gì khi trẻ mắc chứng tinh hoàn ẩn?

Chắc hẳn bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đợi cho đến khi con trai bạn được năm hay sáu tuổi mới quyết định sẽ làm gì. Nếu vào lúc đó tinh hoàn chưa xuống được, bác sĩ sẽ giới thiệu tới gặp một bác sĩ giải phẫu để bàn với bạn lúc nào nên thực hiện phẫu thuật cho bé để đưa tinh hoàn xuống.

Giúp trẻ mắc chứng tinh hoàn ẩn bằng cách nào?

  • Bạn hãy cố ở lại bệnh viện với con bạn, khi cháu được giải phẫu để đưa tinh hoàn xuống.
  • Hãy giữ cho bé yên ổn và bình tĩnh khi trở về nhà sau phẫu thuật. Nếu cháu tham gia quá sớm vào bất cứ trò chơi nào khuấy động, cháu có thể dễ dàng làm tổn thương bìu dái.

Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!