Ông ngoại dạy Diêu Nghiêu học chữ như thế nào?

Ông ngoại dạy bé học chữ

Ông ngoại dạy bé học chữ từ bé

Cháu ngoại tôi, Diêu Nghiêu, sinh vào tháng Mười một năm 1988. Ba tuổi rưỡi cháu đã nhận biết được hơn 3000 chữ Hán, có thể đọc thuộc lòng hàng trăm bài thơ Đường, còn nhớ được tên của tỉnh, thành phố, các khu tự trị và thủ đô của hai mươi mấy quốc gia. Chuyện cháu đọc thơ, biết chữ đã được đăng tải trên báo chí trong và ngoài tỉnh, trên cả Đài truyền hình tỉnh cũng như Đài truyền hình Trung ương.

Còn nhớ, khi cháu được một tuổi rưỡi, một hôm, tôi vô tình lấy tú lơ khơ ra chơi với cháu, không ngờ chỉ sau mấy lần “rải” bài, cháu đã nhận biết được các chữ số Latin trên quân bài. Tôi rất kinh ngạc, nhưng rồi nghĩ bụng, cháu có thể biết được các con số trên lá bài, vậy thì làm một số “lá bài chữ Hán” chắc cũng có thể nhận biết được. Nói là làm, tôi lập tức cắt một số miếng giấy cứng, viết ngay ngắn những chữ bằng bút màu, rồi tôi đọc âm, thử “tung” ra cho cháu. Đúng như dự đoán, sau ba ngày, khoảng năm, sáu lần chơi, mười mấy chữ Hán trên các tấm bài cháu đều có thể đọc chuẩn xác. Tôi mừng như thể Colombo phát hiện ra châu Mỹ. Tôi bắt đầu chăm chỉ, thậm chí còn lập nên chương trình để hướng dẫn cháu, kể từ đó, những tấm bài học chữ nho nhỏ đã gắn kết hai ông cháu lại với nhau.

Tôi rất biết ơn những tấm bài tú lơ khơ đó. Song những ngày sau, nó đã không còn là giáo cụ “duy nhất” của hai ông cháu tôi nữa, chúng tôi đã bước vào một thế giới rộng lớn hơn.

Dạy bé học qua đồ chơi

Xe ô tô, tàu hỏa là một trong những đồ chơi mà cháu tôi thích nhất, mỗi lần chơi đều không biết chán. Tất cả đồ chơi được xếp hàng có trật tự để mua vé, trật tự lên xuống xe. “Chó, mèo, thỏ, ngồi cả xuống”, cháu lớn tiếng ra lệnh. Sau đó, cháu trịnh trọng tuyên bố: “Hôm nay, thầy Diêu Nghiêu sẽ dạy các em học chữ.” Cháu rất đắc ý, “giảng dạy” rất nghiêm túc, nếu đồ chơi nào không chăm chỉ, còn bị cháu nghiêm khắc phê bình. Đồ chơi xếp hình bằng gỗ, một vật liệu xây dựng tuyệt vời, qua bàn tay của hai ông cháu trong chốc láy đã trở thành “tòa nhà cao tầng”. Sau đó, các lá bài chữ “tranh nhau” lên “lầu” rồi lại xuống “lầu”. “Ngắm, bắn”, với một tiếng hét, cùng với tiếng “súng máy” pằng phằng, hàng loạt lá bài chữ “đổ xuống”, những “vụ án thảm” như vậy thường xuyên xuất hiện ở nhà chúng tôi. Song, cháu rất lương thiện, những con người vô tội bị trúng đạn đó, lại được “xe cứu thương” chở đến bệnh viện, và nhận được sự “quan tâm” và “chữa trị” của “người thầy thuốc nhỏ”. “Ồ! Con là… (đọc âm của chữ ghi trên lá bài đó) đó sao? Mẹ đến đón con về này.” Hai ông cháu ngồi đối diện và nói chuyện điện thoại như thật. Các bạn nhỏ lá bài chữ, trong vòng tay ‘âu yếm” của mẹ, ra khỏi “vườn trẻ”, sau đó cẩn thận “qua đường”, an toàn về đến “nhà”. Treo các lá bài chữ dưới bóng bay, cùng với tiếng hò reo và bước nhảy đuổi theo bóng của cháu, chữ hoặc nội dung xuất hiện trước mặt, in sâu vào tâm trí cháu. Quả thực, tên gọi các thành phố, các tỉnh, thủ đô v.v… đều được “ngắm vào đầu” thông qua những quả bóng bay nhỏ đầy màu sắc này. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên chơi các trò như đoán chữ, cướp chữ, dùng các lá bài chữ xếp thành hình, mô hình, đường cái, đường ray, đường giao thông. Còn một thứ nữa cần phải kể đến, đó là tấm bảng đen treo trong phòng (theo hướng dẫn của “Phương án 0 tuổi”), đây chính là “khoảng trời tự do” của cháu, trên đó cháu có thể tự tô, tự xóa từ ngữ, thơ, tranh. Tấm bảng đã “lập công lớn” trong quá trình dạy và học của hai ông cháu.

Kết hợp nhiều cách để dạy cháu học chữ

Có lẽ tôi không thể liệt kê hết quá trình dạy cháu học chữ ở đây. Nếu còn có ai hỏi tôi “dạy” thế nào? Tôi sẽ trả lời ngắn gọn, đó là “dỗ”, là “lừa”, là “cạm bẫy”, là “mưu mô”, song phải thêm vào hai chữ “thiện ý”. Khéo léo lồng ghép dỗ dành, lừa gạt có thiện ý, mưu mô và cạm bẫy có thiện ý vào trong các trò chơi, đó là tất cả bí quyết của tôi. Nói tóm lại, “mẹ đẻ” ra các con chữ và các bài thơ chính là trò chơi. Thế kỷ XVIII, nahf văn, nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng của Pháp Rousseau từng nói: “Đối với trẻ, trò chơi chính là công việc”. Gần đây, hội thảo giữa hơn 100 chuyên gia nghiêm cứu về trẻ ở Trung Quốc cũng chỉ rõ: “Trò chơi là nội dung sống cơ bản nhất và quan trọng nhất của trẻ.” Có thể thấy, việc vận dụng trò chơi trong giảng dạy trẻ em, đặc biệt là những cháu nhỏ, có tầm quan trọng đến mức nào.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!