Làm thế nào để không quên những chữ đã học?
Đây là một vấn đề không thể không đề cập đến. Biện pháp tốt nhất vẫn là ôn tập thường xuyên. Cách làm của tôi như sau:
- Sau khi cháu học được một loại chữ, tôi sẽ dán tất cả những lá bài đó lên một tấm bìa to hơn, treo ở chỗ dễ thấy nhất, để những chữ đó ăn sâu vào trí nhớ của cháu.
- Dùng những điệu nhạc quen thuộc với cháu, vừa viết chữ lên bảng, vừa hát. Có lúc là “đơn ca”, có lúc là “song ca” hoặc “hát luân phiên”.
- “Ông ơi, cháu đọc chữ cho ông nghe.” Nghe câu này là tôi biết cháu muốn ăn kem. Mỗi khi cháu muốn ăn hoặc làm việc gì, tôi liền bắt cháu đọc chữ. Lâu dần, mỗi khi muốn gì, cháu liền chủ động đọc chữ cho ông nghe.
- Thường ngày, mỗi khi có cơ hội, tôi lại lấy sách báo, tạp chí và chỉ một số chữ trên đó cho cháu đọc; hoặc để cháu dạy tôi đọc, vừa chỉ chữ vừa nói với cháu: “Ông già rồi, đầu óc không còn minh mẫn nữa, cháu có thể đọc cho ông được không?” Cháu liền vui vẻ đóng vai thầy giáo.
- Cháu cũng rất thích xem các loại sách tranh, ảnh; việc làm này cũng có tác dụng ôn tập các chữ đã học.
Nhờ những biện pháp trên, cháu đã cơ bản nắm vững những chữ đã học, qua các lần kiểm tra thường xuyên, tỷ lệ thuộc lòng của cháu luôn đạt hơn 95%.
Môi trường học tập rất quan trọng
Môi trường học tập và không khí đọc sách trong gia đình có vai trò hết sức quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, tôi ý thức được rằng nếu trong nhà mình lúc nào cũng có nhiều sách báo thì con cái mình sẽ trở thành người yêu văn chương, chữ nghĩa. Do vậy, phòng tôi có thể nói là một “biển” thơ văn với 3000 chữ, 100 bài thơ, còn có thành ngữ, phiên âm, chữ cái tiếng Anh, bản đồ to nhỏ. Tôi gọi tất cả những thứ đó là “giáo dục không lời”. Ngoài ra, trước mặt cháu, tôi cũng có ý thức để ý đến “hình ảnh” của mình, cho dù muốn hay không, khi rảnh, tôi cầm ngay một cuốn sách, có lẽ đó cũng là một cách rèn luyện. Thế nên, trước khi ngủ, cháu có thói quen cầm một cuốn sách, bố đi làm về cháu cũng không quên hỏi: “Hôm nay bố có mua sách cho con không?”
Tìm hiểu về kiến thức giáo dục trẻ em. Có thể nói, giáo dục trẻ cũng là một môn học. Với đa số những người không làm nghề giáo viên như chúng tôi, giai đoạn bước đầu khi dạy chữ cho trẻ nhỏ, khó tránh khỏi nhiều vướng mắc. Do đó, nắm vững một số kiến thức giáo dục trẻ em, cùng với sự hướng dẫn của những người trong nghề là vô cùng cần thiết.
Trong quá trình dạy cháu ngoại, để bổ sung những khiếm khuyết, tôi luôn thu thập cắt dán những bào viết tư liệu có liên quan, các danh nhân cùng những câu nói nổi tiếng. Đồng thời, tôi cũng nhận được sự quan tâm và khích lệ của bản bè, của các chuyên gia như Giáo sư Phùng Đức Toàn, kết quả thu được thật sự khiến tôi kinh ngạc.
Bắt đầu dạy trẻ từ khi nào thì tốt?
Tôi không thể nói chính xác, song ngày càng có nhiều ví dụ thực tế chứng minh: dạy trẻ càng sớm càng tốt. Giáo sư tâm lý học Karen, trường Đại học Arizona, Mỹ đã tiến hành một loạt thực nghiệm và phát hiện những đứa trẻ mới năm tháng tuổi cũng có ý thức về toán học, dường như chúng biết 1+1=2, 2-1=1. Cũng như khi xem xiếc, người huấn luyện thú gọi một con chó nhỏ đến trước tấm bảng có ghi 2+2, con chó liền sủa bốn tiếng liền, động vật còn làm được như vậy (đương nhiên đó chỉ là phản xạ có điều kiện) huống chi là con người. Tôi tin vào kết luận của Giáo sư Karen. Gần đây, các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý của Trung Quốc đã chứng minh, không chỉ đối với trẻ nhỏ, mà ngay cả đối với thai nhi trong bụng mẹ, được dạy và không được dạy cũng có sự khác biệt rất lớn. Về phương diện này, các chuyên gia đã đưa ra một bộ sách khá hoàn chỉnh có tên “Phương án 0 tuổi”, những bậc phụ huynh có hứng thú hãy thử tìm hiểu xem sao.