Học chữ qua môi trường ngôn ngữ

Đây là hình thức chủ yếu để dạy trẻ một, hai hay ba tuổi. Phương pháp này tận dụng triệt để ưu thế ghi nhớ vô thức của trẻ nhỏ để dạy chúng học chữ bằng cách cho trẻ nghe nhiều, nhìn nhiều, tạo ấn tượng, tăng ấn tượng, tích lũy ấn tượng.

Hiệu quả học tập của phương pháp này rất đáng kinh ngạc. Trẻ học tiếng mẹ đẻ, nhận biết vạn vật, nắm bắt hành vi, nghe thuộc âm nhạc về cơ bản đều có được do được tiếp xúc nhiều, thì vì sao học chữ học đọc lại không thể áp dụng phương pháp này?

Cần phải có yêu cầu về hiệu ứng tích lũy và hiệu ứng lâu dài. Kết quả của việc tích lũy là trẻ một tuổi chú ý đến chữ viết một cách tự nhiên, có thể cầm chữ lên phát âm và nhận biết.

Mọi nơi trong cuộc sống đều có lời nói, thì chúng ta hãy làm cho mọi nơi trong cuộc sống đều có chữ viết. Tuy sự kết hợp giữa cuộc sống và chữ viết phức tạp hơn việc kết hợp giữa cuộc sống và lời nói, nhưng nếu biết cách chúng ta vẫn có thể làm được. Vận dụng linh hoạt những thẻ chữ, bảng, phấn, tranh chữ, câu đối đều có tác dụng. Chỉ cần hai, ba năm, các nét và âm sắc của chữ sẽ tự nhiên đi vào đầu óc trẻ, nên ghi nhớ ấn tượng 2.000 chữ hoàn toàn không khó.

Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng khi trong phòng trẻ dán chữ, dán câu, thành ngữ: Điều này có tạo ra áp lực quá lớn cho trẻ không?

Thực tế không đáng lo lắng quá như vậy. Bạn thấy đấy khi chào đời, trẻ luôn bị các yếu tố của cuộc sống kích thích, vậy đó cũng là gánh nặng lớn hay sao. Chỉ cần trẻ thức, khi chúng mở mắt ra, các hình ảnh sự vật hiện tượng chẳng phải sẽ kích thích chúng sao? Sao trẻ lại không cảm thấy căng thẳng và áp lực?

Vạn vật, các hình tượng, âm thanh, mùi vị màu sắc của thế giới, bất kể phức tạp thế nào đều có thể được trẻ nhận biết thông qua tiếp xúc, thì tại sao mấy chữ viết kia lại không thể? Huống hồ, đứa trẻ chưa đầy hai tuổi vẫn chưa phân biệt được đâu là vật, đâu là chữ, nhu cầu đơn giản là có được ấn tượng về mọi thông tin mà thôi. Đó là bản năng sinh tồn phát triển và thích ứng với môi trường của con người. Học chữ thông qua tiếp xúc với môi trường và dần tiến tới đọc là phương pháp tốt tận dụng triệt để bản năng này, làm cho trẻ nắm bắt công cụ ngôn ngữ thị giác một cách vô thức.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!