Ngôn ngữ là kết tinh của trí tuệ nhân loại

Quá trình tiến hóa của sinh vật trải qua khoảng ba tỉ rưỡi đến năm tỉ năm, đến tận thời kỳ của động vật cao cấp – vượn người, ngôn ngữ mới chính thức xuất hiện: dùng từ ngữ biểu đạt ý nghĩa, để tiến hành tư duy và giao lưu với đồng loại.

Vượn người cùng nhau lao động nên các thành viên trong xã hội gắn bó mật thiết với nhau. Trong quá trình đấu tranh với tự nhiên, trải qua nhiều sóng gió, hoạn nạn họ có rất nhiều chuyện cần phải nói với nhau. Họ phát ra tiếng kêu liên tục, nên cổ họng và thanh đói của Vượn vốn không phát triển nhưng giờ đây nó đã có thể phát ra những âm tiết rõ ràng và phức tạp, dần dần biểu đạt được những ý nghĩa chính xác. Như vậy, ngôn ngữ đã được hình thành và không ngừng phát triển hoàn thiện. Ngôn ngữ thần kỳ đó đã tách con người ra khỏi thế giới loài vật.

Ngôn ngữ là kết tinh của trí tuệ nhân loại. Trong đó, sử dụng ngôn ngữ đối thoại (miệng nói, tai nghe), sử dụng những âm thanh phức tạp biểu đạt ý nghĩa tiến hành giao lưu là điểm khác biệt căn bản giữa con người và thế giới loài vật. Tác dụng lớn lao của nó, sự gian nan trong quá trình phát triển của nó, chúng ta chỉ cần suy nghĩ kỹ một chút là có thể hiểu được. Thế nhưng, hàng triệu năm nay, con người lại cho rằng ngôn ngữ nói được thực hiện quá dễ dàng, thực ra đó là phát minh sớm nhất, vĩ đại nhất mà con người đã cùng nhau tạo ra. Lý lẽ phức tạp, tư tưởng thâm thúy, tình cảm tinh tế, các loại phân tích, tổng hợp, suy đoán, tưởng tượng không giới hạn của con người đều có thể biểu đạt bằng lời nói và được người khác chấp nhận, từ đó xã hội hình thành và phát triển.

Các sinh vật trên trái đất đều cần ba điều kiện để sinh tồn. Đó là ánh sáng mặt trời, không khí và nước. Còn con người, ngoài ba yếu tố trên thì còn cần đến yếu tố thứ tư là ngôn ngữ. Nếu con người mất đi ngôn ngữ thì ngay lập tức sẽ biến thành một nhóm động vật yếu ớt.

Đối với con người, ngôn ngữ là công cụ quan sát, ghi nhớ, tư duy, tưởng tượng. Tất cả tư tưởng của con người đều dùng từ ngữ (bao gồm cả những từ ngữ không phát ra thành lời) để diễn tả. Nếu không có ngôn ngữ, bất kỳ tư tưởng nhận thức nào cũng đều là mơ hồ, không có ranh giới, không thể phân biệt được hai khái niệm khác nhau. Chẳng hạn, nếu nhìn thấy máy bay bay trên trời mà giống như con gà nghiêng đầu nhìn chuồn chuồn bay qua một cách lạ lùng, thì thật là ngu muội.

Ngôn ngữ là thành quả nhận thức của các thế hệ. Con người dùng từ ngữ để biểu thị và xác định lại những nhận thức cũ, từ ngữ mới ra đời để biểu thị và xác định những nhận thức mới. Ví dụ, mấy năm gần đây Trung Quốc thịnh hành việc giáo dục trẻ em từ 0 tuổi, thế là người ta dùng các từ ngữ như là “giáo dục sớm”, “công trình và phương án thực thi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi”. Cho nên, ngôn ngữ phản ánh được quá khứ và hiện tại của toàn bộ cuộc sống xã hội, có thể nói rằng, ngôn ngữ phản ánh lịch sử của nhân loại.

Đối với quốc gia, ngôn ngữ là nhân tố thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ngôn ngữ của mỗi dân tộc cũng giống như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng những đứa con, truyền những tinh hoa văn hóa của dân tộc, phương thức tư duy cho con người, nên con người thường gọi ngôn ngữ của dân tộc mình là “tiếng mẹ đẻ”. Ngôn ngữ cũng phản ánh đặc điểm cá nhân của con người, ngôn ngữ cá nhân thường biểu hiện tư tưởng, học thức, tính cách và trí tuệ của người đó một cách trực tiếp. Khi người ta nói hay viết thì chính là lúc họ phác họa hình tượng của chính mình. Tri thức của con người phong phú hay nghèo nàn, thú vị nho nhã hay dung tục, phẩm chất đạo đức cao thượng hay hèn kém, sáng tạo hay bảo thủ, khiêm tốn cẩn thận hay kiêu căng ngạo mạn đều có thể được biểu hiện bằng ngôn ngữ.

Từ đó chúng ta thấy được ý nghĩa quan trọng, sức hút thần kỳ của ngôn ngữ và thấy rằng phát triển ngôn ngữ cho trẻ là công việc hàng đầu của giáo dục, để trẻ có được cái gốc làm người, giúp trẻ trưởng thành nhanh chóng, trở thành thành viên của xã hội. Đó cũng là chìa khóa vàng giúp trẻ mở được cánh cửa của trí tuệ, giúp trẻ biết cách dùng ngôn ngữ để quan sát, tư duy, ghi nhớ rõ ràng, phát triển trí tưởng tượng. Tất cả các hoạt động chân tay và trí óc của con người đều dựa vào ngôn ngữ để đạt được hiệu quả cao. Đó là con đường để trẻ có được tri thức của nhân loại, tiếp thu nền văn hóa tiên tiến của dân tộc, nâng cao học thức tu dưỡng cá nhân.

Pavlov từng nói: “Từ ngữ là vật kích thích vô cùng rộng với nội dung phong phú, nó mang đến nguyên tắc mới cho hoạt động của não người, nó tạo ra tư duy cấp cao mà chỉ con người mới có. Từ đó, con người có khả năng làm chủ hiện thực và nắm bắt vận mệnh của bản thân”. Người Nga có một câu đố: “Không phải là mật nhưng lại có thể dính kết mọi thứ”. Câu trả lời là ngôn ngữ. Xem ra, ngôn ngữ cũng có thể dính kết trẻ em và nhân tài, để trẻ sớm tỏa sáng.

“Hai ngôn ngữ” đều có thế mạnh riêng, nên cần phát triển đồng bộ.

Con người phát minh ra nhiều loại ngôn ngữ để tư duy, biểu đạt tư tưởng, trao đổi thông tin. Chúng ta có ngôn ngữ thính giác, ngôn ngữ thị giác, ngôn ngữ xúc giác (chữ viết cho người mù), ngôn ngữ cơ thể (ngôn ngữ của người câm điếc). Trong đó, quan trọng nhất là ngôn ngữ thính giác (ngôn ngữ nói) có tác dụng tới thính giác và ngôn ngữ thị giác (còn gọi là ngôn ngữ viết) tác dụng tới thị giác. Chúng tôi gọi hai loại đó là “hai ngôn ngữ”.

Nếu ngôn ngữ thính giác – ngôn ngữ nói – tách con người ra khỏi thế giới loài vật, thì ngôn ngữ viết là làm cho con người từ man di trở thành văn minh.

Trong xã hội nguyên thủy, con người đã sớm biết sử dụng ngôn ngữ nói một cách thành thạo, nhưng tri thức mà họ có được, suy nghĩ và tưởng tượng tới những việc cần phải làm lại không có cách gì giữ lại và ghi nhớ, họ đã nghĩ ra rất nhiều cách để chiến đấu với sự lãng quên. Khi xã hội tiến bộ, nguồn thông tin phong phú, thì con người lại vất vả nghĩ cách truyền thông tin đi xa. Thế là con người bắt đầu ghi nhớ theo sự vật, ghi nhớ theo những nút thắt trên sợi dây, ghi nhớ theo những hình vẽ. Trải qua biết bao thực tiễn và tìm tòi, cuối cùng con người cũng sáng tạo ra được chữ viết – viên ngọc sáng chói của nền văn minh nhân loại.

Chữ viết không ngừng được làm phong phú thêm và hoàn thiện. Ngôn ngữ viết đã phá vỡ giới hạn của tư duy và tưởng tượng về không gian và thời gian, nó ghi chép và giữ lại tất cả những thành quả văn minh mà con người sáng tạo ra, truyền bá cho các thế hệ sau. Nó có dáng vẻ cố định bất biến rõ ràng, rất tiện cho con người đọc một cách chậm rãi, kích thích thần kinh đại não nhiều lần, gợi mở trí tuệ của con người, vun đắp tình cảm của họ. Vì vậy đối với việc kế thừa và sáng tạo văn hóa nhân loại, đối với việc khai thác tiềm năng trí lực to lớn của con người, bất kể là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, thì chữ viết vẫn luôn là phương tiện văn minh quan trọng nhất. Ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói có quan hệ mật thiết với nhau và là tinh hoa của nền văn minh nhân loại.

Ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Chúng bổ sung làm nổi bật mặt mạnh của nhau, quan hệ mật thiết với nhau và mỗi loại lại có đặc điểm riêng rõ ràng. Dưới đây tôi sẽ phân tích kỹ hơn:

Ngôn ngữ nói là phương tiện truyền đạt tư tưởng bằng cách dùng phát âm làm tín hiệu để kích thích màng nhĩ. Điểm mạnh của nó là sử dụng đơn giản, chỉ việc nói ra thành lời và nó có thể kết hợp với việc biểu lộ tình cảm, giao lưu trực tiếp một cách sinh động và thảo luận nhanh chóng. Nó có sức cuốn hút và ảnh hưởng rất mạnh, nó là bảo bối trong cuộc sống hàng ngày, trong giao tiếp công cộng, trong giao lưu tình cảm, trong diễn thuyết hiệu triệu, nó làm cho con người thông tuệ và nhạy bén, con người không thể rời xa nó dù chỉ một ngày. Nhưng ngôn ngữ nói lại có nhược điểm rất lớn: nó dễ dàng mất đi, không nắm bắt được, không nghe lại được và không tỉ mỉ, không quy phạm. Chính vì thế nếu con người chỉ sử dụng ngôn ngữ nói thì không đủ chính xác và sâu sắc, cũng không có lợi cho việc ghi nhớ chính xác từng câu, từng chữ nội dung mà nó biểu đạt.

Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ thị giác dùng chữ viết làm ký hiệu, tác dụng lên đồng tử mắt để truyền đi ý nghĩ. Đặc điểm của nó là hình ảnh rõ ràng, hình thức thống nhất, có thể đọc viết, suy nghĩ, cân nhắc nhiều lần. Cho nên, nó là một loại ngôn ngữ quy phạm, chính xác, sâu sắc, tiện cho việc ghi nhớ. Ngôn ngữ viết là phương tiện học tập nghiên cứu, ký kết điều khoản và truyền đạt thông tin vượt qua thời gian và không gian. Xã hội văn minh không thể không có ngôn ngữ viết. Nhược điểm của nó là không có được sức cuốn hút qua việc biểu lộ tình cảm và âm điệu, sử dụng không tiện và không nhanh chóng như ngôn ngữ nói.

Hai ngôn ngữ đều có điểm mạnh riêng, đều là công cụ tư duy và nhận thức quan trọng nhất của con người. Chỉ khi đồng thời có được hai ngôn ngữ đó, con người mới có được tố chất tối thiểu của người văn minh. Bất kể là cá thể của dân tộc hay xã hội nào cũng đều không thể thiếu một trong hai loại ngôn ngữ đó.

Nhìn từ lịch sử phát triển của ngôn ngữ, ngôn ngữ nói ra đời và hoàn thiện trước ngôn ngữ viết. Hiện nay trên thế giới vẫn còn có một số dân tộc lạc hậu chỉ có ngôn ngữ nói mà không có chữ viết.

Đối với một đứa trẻ, hoàn toàn không cần thiết phải đi theo con đường cũ học nói trước rồi mới học viết. Mà nên bắt đầu học cả hai ngôn ngữ, đó là con đường đưa trẻ đến với trí tuệ. Điều này không có gì là lạ. Trước khi phát minh ra máy bay, con người đã biết đến tàu hỏa, nhưng ngày nay những nước đang phát triển lại có thể học cách chế tạo đồng thời tàu hỏa và máy bay. Trên thế giới đã có bàn tính rất lâu trước khi tạo ra máy tính điện tử nhưng ngày nay trẻ em hoàn toàn có thể cùng lúc học cách sử dụng bàn tính và máy tính điện tử.

Có người cho rằng tri thức rất khó nắm bắt nên đương nhiên phải đợi đến khi trẻ lên tiểu học mới có thể giảng dạy cho trẻ. Đây quả thật là một sai lầm lợn trong nhận thức của con người, là quan điểm ngu muội còn tồn tại trong thế giới văn minh.

Trước hết, không nên coi hai ngôn ngữ là tri thức hệ thống, mà là phương tiện truyền tải tri thức và tiến hành giao lưu. Dạy trẻ nắm bắt được ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết là bước giáo dục tố chất cơ bản nhất, là bồi dưỡng cho trẻ kỹ năng vận dụng tốt công cụ ngôn ngữ. Chỉ có những đứa trẻ biết nghe, biết nói, biết đọc, biết viết mới có thể có được tri thức, nhận thức được thế giới, phát triển trí lực, hình thành tính cách thói quen tốt đẹp.

Thứ hai, hai ngôn ngữ đều phải được nắm vững trong quá trình sử dụng và luyện tập. Người xưa có câu: “Muốn làm tốt việc, thì trước tiên phải có công cụ sắc bén”. Hai ngôn ngữ chính là công cụ sắc bén để trẻ có thể học được trong thực tiễn và luyện tập.

Thoạt nhìn cứ tưởng trẻ em học nghe, học nói thì không cần dạy mà “tự nhiên sẽ biết”, nhưng thực ra chưa chắc đã như vậy. Ngôn ngữ nói của trẻ là kết quả của quá trình giáo dục sớm mà chúng ta tiến hành một cách tự phát. Chúng ta dùng “phương pháp giáo dục tự nhiên” để bồi đắp cho trẻ, giúp trẻ phát triển như thiên tài. Đó là quá trình giáo dục từ lúc trẻ còn là thai nhi (thai nhi năm tháng tuổi đã có thể nghe được tiếng nói của bố mẹ và âm thanh của thế giới bên ngoài) đến khi trẻ ba, bốn tuổi. Trong quá trình đó trẻ dần dần thành thạo ngôn ngữ thông qua nghe, luyện, bắt chước, lĩnh hội hàng ngày, trừ lúc ngủ ra, thời gian còn lại trẻ luôn được tiếp xúc và luyện tập trong môi trường ngôn ngữ. Nếu như chữ viết cũng có được một môi trường và điều kiện như vậy thì có thể khẳng định chắc chắn rằng, trẻ ba, bốn tuổi cũng có thể bước đầu nắm được ngôn ngữ viết. Thực tế, hàng nghìn trẻ em được dạy theo Phương án 0 tuổi đã chứng minh trẻ ba, bốn tuổi có thể biết đọc; năm, sáu tuổi có thể đọc được hàng loạt sách thiếu nhi.

Thứ ba, chúng ta đừng nên cho rằng “nghe, nói dễ, biết chữ khó”. Mà hoàn toàn ngược lại. Trong cùng một điều kiện, trẻ sơ sinh nắm bắt ngôn ngữ thính giác khó hơn ngôn ngữ thị giác, vì trẻ học nói cần trình độ tâm lý và khả năng mô phỏng, lĩnh hội rất cao. Trẻ phải nhìn chuẩn khẩu hình, mô phỏng nó, phát âm chuẩn mà không được có bất kỳ sai sót nào. Trẻ cần phải hiểu nghĩa của từ, nếu không sẽ không hiểu và càng không biết biểu đạt. Trẻ còn phải thành thục ngữ pháp, nếu không sẽ không biểu đạt được tư tưởng bằng cách kết hợp từ thành câu, kết hợp câu thành đoạn.

Khi học ngôn ngữ thính giác, chỉ riêng việc ghi nhớ ngữ âm và phát âm chuẩn đã là điều không dễ. Ví dụ, khi nhìn thấy một vật nổi trên mặt nước, thì trẻ phải nhớ từ “nổi” mà người lớn nói. Âm đó sẽ biến mất ngay lập tức, mơ hồ không rõ ràng, không biết bao giờ mới lại xuất hiện. Ghi nhớ những âm không nhìn thấy, không chạm tay vào được đó lại dễ hơn là ghi nhớ chữ “nổi” hoàn toàn có thể nhìn thấy và chạm vào?

Còn việc phát âm chuẩn lại càng không dễ. Điều đó cần đến sự phối hợp chặt chẽ của các bộ vị phát âm như khoang ngực, cổ họng, khoang miệng, lưỡi, răng, môi, khoang mũi và hàng chục cơ khác mới có thể hoàn thành. Nếu như bỏ qua một bộ vị phát âm hay một cơ nào đó thì trẻ nói sẽ lạc âm, lạc điệu và không thể phát âm chuẩn được. Thế nhưng, trẻ nhỏ chỉ cần có môi trường ngôn ngữ thích hợp, chúng sẽ học tốt bất cứ phương ngữ và ngoại ngữ nào, thậm chí có thể cùng lúc học tốt nhiều ngôn ngữ khác nhau và có thể mô phỏng chính xác cách phát âm của bất kỳ ngôn ngữ nào.

Trẻ có thể học ngôn ngữ nói rất nhanh nên cũng sẽ học ngôn ngữ viết dễ dàng. Hai ngôn ngữ sẽ bổ trự rất đắc lực cho nhau. Bởi vì:

Ấn tượng thị giác thường rõ ràng, sâu sắc hơn ấn tượng thính giác, ấn tượng thị giác là hữu hình, có thể tùy ý lặp lại, ấn tượng thính giác là vô hình, thường mất đi trong lời nói. Vả lại, khả năng nắm bắt thông tin của mắt ưu việt hơn của tai, điều này đã được giới tâm lý học khẳng định: trong lượng thông tin mà con người có được thì khoảng 80% đến bằng mắt, 15% đến bằng tai, cho nên học viết dễ hơn học nói là lẽ tất nhiên.

Cùng bắt đầu học hai ngôn ngữ và phát triển song song lại càng có ưu thế, bởi vì khi học nói có thể nghe rõ ngữ âm lại có thểm điểm tựa hình tượng (mặt chữ), khi học ghi nhớ chữ lại có điểm tựa về ngữ âm. Sự kết hợp nhuần nhuyễn này sẽ giúp trẻ lĩnh hội và ghi nhớ chữ viết tốt nhất. Sự kết hợp của hai ngôn ngữ này trong cuộc sống đương nhiên sẽ hỗ trợ nhau, điều đó hoàn toàn phù hợp với nguyên lý “một cộng một bằng hai” trong thuyết hệ thống. Từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp trong hai ngôn ngữ là một, ngôn ngữ nói sẽ giúp trẻ hiểu câu văn, đoạn văn; ngược lại, học đọc học viết giúp cho việc phát âm được chính xác, rõ ràng, nói năng lưu loát, biểu đạt tinh tế, đúng quy tắc ngữ pháp, ngôn ngữ của trẻ tự nhiên sẽ phong phú và chuẩn xác.

Những tấm thẻ chữ và tài liệu đọc được thiết kế và biên tập chính là để thực hiện phát triển đồng bộ hai ngôn ngữ cho trẻ.

Dẫn dắt trẻ vào con đường học chữ, đọc sách.

Phát triển đồng bộ ngôn ngữ thị giác và ngôn ngữ thính giác là con đường dẫn đến phát triển trí tuệ sớm. Vậy phải làm thế nào để khơi gợi hứng thú của trẻ, dẫn dắt chúng vào con đường tuyệt vời đó để chúng phát triển trí tuệ?

Trong Phương án 0 tuổi, chúng ta dạy trẻ nhận biết sự vật, học nói, học đi, nghe nhạc, chơi xếp hình, chơi trò chơi, để trẻ tiếp thu một cách tự nhiên. Phương pháp này khác hoàn toàn phương pháp giáo dục trẻ ở bậc tiểu học.

Phát triển ngôn ngữ thị giác của trẻ nhỏ và học sinh tiểu học khi học chữ có ba điểm khác nhau căn bản: Một là tính chất không giống nhau. Trẻ nhỏ học chữ học đọc là một trong những nội dung của giáo dục tố chất cơ bản, lấy việc bồi dưỡng sức chú ý, hứng thú của trẻ với chữ và sách, từ đó nắm được công cụ ngôn ngữ thị giác làm xuất phát điểm. Quá trình này diễn ra tự nhiên như khi dạy trẻ một tuổi chú ý nghe, nói. cần phải xác định sự khác biệt giữa những đứa trẻ có nhu cầu khác nhau. Còn học sinh tiểu học học chữ, học đọc là một phần của truyền thụ tri thức văn hóa hệ thống, nó quy định chặt chẽ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ và tài liệu dạy học. Mục tiêu của mỗi giai đoạn nhất định phải được hoàn thành và là yêu cầu chung cho tất cả học sinh, không có sự phân biệt. Hai là, tiêu chuẩn học chữ không giống nhau. Đối với trẻ nhỏ, từng phương diện âm, hình, nghĩa đều phải có yêu cầu khác nhau. Trẻ chỉ cần có ấn tượng và hiểu từng bước, sau đó bước vào đọc một cách tự nhiên. Còn đối với học sinh tiểu học, việc học chữ phải tiến hành “bốn kỹ năng kết hợp”. Tức là nhận rõ mặt chữ, đọc chuẩn âm, hiểu ý nghĩa của chữ, biết viết. Chúng thường phải tham gia thi cử, làm trắc nghiệm. Ba là, giáo trình và phương pháp dạy khác nhau. Học sinh tiểu học học chữ trên lớp phải theo trình tự nhất định chứ không được tùy ý thay đổi. Còn khi phát triển ngôn ngữ viết cho trẻ nhỏ, chúng tôi đề xướng tính linh hoạt, tính đa dạng của giáo trình và phương pháp dạy, chú ý tính hứng thú, thậm chí có thể tự thay đổi bất kỳ lúc nào, đặc biệt chú trọng đến yếu tố khích lệ động viên. Mỗi trẻ có một nhu cầu riêng. Một đứa trẻ ba tuổi biết được 3000 chữ là đứa trẻ giỏi, đứa trẻ khác biết được 20 chữ cũng là đứa trẻ giỏi, chúng đều đáng được khích lệ và khen ngợi. Giống như đứa trẻ học ngôn ngữ nói không có người mẹ nào lại phê bình con mình nghe và nói kém quá, hay chậm quá.

Hình thức dạy học ngôn ngữ thị giác sớm gồm có ba loại sau đây. Cả ba loại đó đều có thể đạt được hiệu quả cao.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!