Lời bàn

Lơi bàn phát triển tài năng cho trẻ

Phản hồi của độc giả

Khi lựa chọn một số trẻ trong hàng nghìn, hàng vạn học viên và độc giả của “Phương án 0 tuổi” để hợp tác tham gia quay phóng sự “Phương án 0 tuổi”, chúng tôi quyết định mời ông Tùy Lập Nghĩa. Sau khi thông báo, chúng tôi đã nhận được thư của Diêu Nghiêu: “Ông Phùng, bức thư ông viết thật là hay, cháu cảm ơn ông ạ. Cháu chúc ông luôn khỏe mạnh, sống lâu. Cháu đang đợi ông đến quay phim, hoan nghênh ông đến nhà cháu chơi. Diêu Nghiêu, bốn tuổi, ngày mùng một tháng Sáu năm 1993.” Làm sao không cảm động được khi đọc bức thư này, một đứa bé mới bốn tuổi, một năm trước mới biết đọc, giờ có thể viết được một bức thư trôi chảy như thế này, không sai ngữ pháp và chính tả, ngay cả phong bì thư cũng do cháu viết, hơn nữa chữ viết rất rành mạch. Biết cháu nhận lời mời quay phim, tôi thật sự mong sớm được gặp Diêu Nghiêu.

Những cháu bé nhận lời quay phim đều có thể vào vai rất tự nhiên, không hề gượng gạo, Diêu Nghiêu cũng vậy, nhưng có điều bé nghịch ngợm hiếu động hơn, hứng thú với nhiều thứ, nhận mặt chữ, đọc sách vanh vách.

Tại sao Diêu Nghiêu lại thông minh, hoạt bát, lanh lợi đến vậy?

Có lẽ không cần giải thích nhiều, bài viết tổng kết của ông cháu chính là câu trả lời sinh động, cụ thể, ngăn gọn và súc tích nhất. Trên đời này làm gì có Thần Đồng, “thần” và “không thần” đều là kết quả của việc trẻ có thích ứng với môi trường hay không. Ông ngoại đã tạo cho Diêu Nghiêu một môi trường sống như thế nào? Trước hết ông đã tạo cho cháu đời sống tinh thần tràn đầy “tình yêu giáo dục”, để cháu có thể chơi và học bất cứ lúc nào và ở đâu. Chúng tôi cho rằng, hoạt động chơi và học của trẻ không thể tách rời nhau, những bài học thú vị chính là trò chơi đồng thời mục đích của những trò chơi chính là để học. Những trò chơi vô bổ, tiêu phí thời gian mới không phải là học và cũng không phải là chơi. Ông và cháu ngoại ngay cả khi đi ngủ còn dạy nhau đâu là đầu gối, đâu là khuỷu tay, đâu là khớp chân. Thông qua mối quan hệ thân thiết cùng với những hoạt động đầy hứng thú, trẻ sẽ có được những kiến thức thưởng thức (bao gồm biết mặt chữ, đọc hiểu và viết), đây là một khởi điểm tốt, một ưu thế rất có lợi cho việc học tiểu học sau này của trẻ.

Môi trường thứ hai mà ông ngoại tạo ra cho cháu chính là những trò chơi thực tế phong phú kết hợp với một lượng lớn thông tin kiến thức. Nếu đưa được ngôn ngữ và chữ viết xuất hiện trong các trò chơi hàng ngày của trẻ, làm phong phú thêm cảm nhận về cuộc sống cho trẻ thì sự kết hợp giữa ngôn ngữ và chữ viết chắc chắn cũng sẽ phát huy hết tác dụng. Lời nói từ lâu đã tham gia vào cuộc sống của trẻ, còn đưa chữ viết vào cuộc sống của trẻ sơ sinh nữa lại là một bước đột phá quan trọng mới mẻ. Thực tiễn chứng minh, trẻ có thể dễ dàng nhận biết được hình dáng của chữ, hình dáng con người, hình dáng của vật, chỉ cần có môi trường học chữ và trò chơi hàng ngày, trẻ sẽ thích học chữ, đọc sách giống như thích nói và nghe kể chuyện. Ngoài ra, ông ngoại còn tạo cho Diêu Nghiêu một môi trường thứ ba là môi trường yêu sách, đọc sách và mua sách, dẫn dụ cháu hình thành thói quen yêu quý tri thức.

Nhận thức của ông Tùy rất độc đáo và sâu sắc

Ông nói: Nhà giáo dục có lúc phải “người khôn vờ kẻ dại”, biết giả vờ làm một “đứa trẻ ham chơi”, không sợ trẻ phân tán sự chú ý; luôn có thời gian dạy trẻ, quá trình “đàn gảy tai trâu”là hết sức cần thiết. Đó cũng chính là những ý tưởng mới mẻ. Vì thế, chỉ những người có tư tưởng mới mẻ mới áp dụng được việc giáo dục sớm cho trẻ theo “Phương án 0 tuổi”. Còn những người giữ quan niệm bảo thủ, áp dụng những nguyên tắc mô hình giáo dục cũ kỹ lỗi thời để nhìn nhận việc giáo dục sớm cho trẻ chắc chắn sẽ không đồng tình với điểm này, điểm kia, thậm chí muốn “dập tắt” tư tưởng mới này.

Một học viên của khóa giáo dục sớm cho trẻ theo “Phương án 0 tuổi”, ông Chu Dung, sau khi nuôi nấng con gái yêu của mình thành một cô bé khỏe mạnh, thông minh, xinh xắn, đã viết thư cho chúng tôi: “Lý luận mới về giáo dục sớm cho trẻ so với quan niệm giáo dục cổ hủ truyền thống cũng giống như việc dùng súng ngắn thay thế cho dao kiếm, xem ti vi thay thế cho nghe hát phòng trà. Nếu có một ngày việc giáo dục sớm cho trẻ được phổ cập, liệu sẽ có bao nhiêu người vốn quen thuộc phương pháp giáo dục truyền thống sẽ chấp nhận lĩnh hội. Câu nói này có rất nhiều gợi mở, tại sao khoa học tự nhiên thường có những đột phá lớn, còn khoa học giáo dục lại chỉ có thể lần mò từng bước?

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!