Trong 20 năm phát triển và hoàn thiện Phương án 0 tuổi, các nhà nghiên cứu đã có nhiều cuộc tranh luận, kiểm nghiệm thực tiễn về vấn đề biết đọc, biết viết sớm. Họ muốn phá vỡ ràng buộc của quan niệm truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm nay và tất nhiên như thế sẽ gây ra sự hoài nghi, tranh luận thậm chí dao động và bất ổn.
Chính những tranh luận, thực tiễn và tìm tòi đó đã làm cho vấn đề biết đọc, biết viết sớm càng có được sự trải nghiệm sâu sắc hơn, thành quả thu được càng rực rỡ hơn, quan niệm mới rõ ràng hơn và tư duy lý tính càng đạt đến mức độ cao hơn. Cuốn sách Làm thế nào để bồi dưỡng nhân tài tí hon và Làm thế nào để bồi dưỡng thần đồng xuất bản gần đây đã tập trung nêu lên hiệu quả thần kỳ của việc trẻ nhỏ biết đọc, biết viết sớm.
Hiện nay, hàng triệu trẻ em trên đất nước Trung Quốc học đọc học chữ qua những trò chơi liệu có phải là hành vi phản khoa học, hay là loài người đang bước sang một trang mới trong lịch sử giáo dục?
Đây là một trong những đề tài cần được các nhà giáo dục học, các nhà tâm lý học, các nhà nghiên cứu văn học và những người làm công tác thiếu nhi quan tâm nghiên cứu.
Trong thời đại hiện nay, nền giáo dục cần phải hướng tới hiện đại hóa, hướng ra thế giới, hướng đến tương lai, làm hưng thịnh đất nước bằng khoa học giáo dục. Để làm được điều đó, chúng ta phải bồi dưỡng được các nhân tài có tố chất cao cho xã hội. Trong giáo dục, giai đoạn giáo dục cho trẻ sơ sinh – giai đoạn bắt đầu học đọc, học chữ hết sức quan trọng, cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được. Thực tiễn 20 năm đã chứng minh, đó không phải là nhồi nhét tri thức hệ thống, càng không phải tư tưởng nóng vội muốn cây mọc nhanh như câu chuyện ở đời nhà Tống. (Xem câu chuyện Nhổ mạ cho nhanh lớn ở chương Tài liệu học chữ, học đọc dành cho trẻ em). Đó là sự phát triển theo xu thế của ngôn ngữ thị giác mà con người cần được tiếp thu một cách tự nhiên, là tài sản lớn nhất của văn minh nhân loại dành cho trẻ em – quyền được phát triển ngôn ngữ toàn diện.
Việc hình thành lý luận nói về ngôn ngữ thị giác và sự phổ cập rộng rãi của nó trong thực tiễn không những giúp xã hội xóa nạn mù chữ, bán mù chữ, mà còn kết thúc lịch sử phát triển giáo dục không toàn diện của trẻ em từ trước đến nay, giúp xã hội loại bỏ được hiện tượng phát triển không bình thường về ngôn ngữ và những hậu quả của nó. Lợi ích của nó đối với xã hội còn lớn hơn cả vacxin dự phòng bệnh bại liệt trẻ em.