Động kinh là gì? Làm gì để phòng và hỗ trợ điều trị động kinh ở trẻ nhỏ.
Động kinh là một tình trạng rối loạn gây nên những cơn co giật theo chu kỳ và những cơn này xảy tới khi những xung động điện bình thường ở não bị xáo trộn. Những cơn động kinh có hai hình thức chính. Dạng “động kinh nặng” gồm những cơn co giật lặp đi lặp lại. Những cơn này gồm có một tình trạng bất tỉnh và một giai đoạn cứng đơ kéo dài một phút hoặc ngắn hơn, tiếp theo bằng một loạt lay động chân tay nhịp nhàng, răng nghiến chặt (lúc này có khi bé cắn phải lưỡi), đi tiểu không kiểm soát được và sùi bọt mép. Sau đó đứa trẻ thường lăn ra ngủ.
Dạng “động kinh nhẹ” chân tay không co giật. Chỉ có một, hai giây bất tỉnh – giống như mộng mị – khi đó mắt đứa trẻ đơ ra; đứa trẻ có vẻ như không trông hoặc nghe thấy gì cả. Nhiều khi người ta không nhận ra được dạng động kinh này và không chẩn đoán nó là động kinh. Mặc dù mức độ vấn đề có khác so với những co giật của cơn động kinh nặng, những cơn động kinh nhẹ xảy ra thường có thể ảnh hưởng đến nếp sống của đứa trẻ, đặc biệt là việc học ở trường hay một số hoạt động thể chất như đi xe đạp chẳng hạn. Không hề có tình trạng giảm trí lực gắn liền với cả hai hình thức động kinh. Bệnh có khuynh hướng hay gặp theo dòng họ.
Có tới khoảng từ ba đến năm phần trăm ở trẻ em dưới sáu tuổi đôi khi bị co giật,… nhưng gần như tất cả những chứng này đều là sốt làm kinh, khi có rối loạn dòng điện ở não do sốt cao gây nên trước hoặc trong khi bị bệnh nhiễm trùng.
Triệu chứng có thể gặp khi trẻ mắc chứng động kinh:
Động kinh nặng
- Bất tỉnh.
- Nghiến răng.
- Cứng đơ, sau đó chân tay lay động nhịp nhàng.
- Đi tiểu không hay biết.
- Sùi bọt mép.
Động kinh nhẹ
Tình trạng giống như mộng mị kéo dài một, hai giây, đứa trẻ không trông hoặc nghe thấy gì cả.
Chứng động kinh ở trẻ có nghiêm trọng không?
Động kinh không phải là một bệnh đe dọa đến tính mạng. Mọi đứa trẻ khi lớn lên đều khỏi, hết bị dạng động kinh nhẹ vào cuối thời thanh thiếu niên. Tuy nhiên, những trẻ mắc phải dạng động kinh nặng có thể cần đến sự quan tâm đặc biệt suốt đời, dù có khắc phục bệnh bằng thuốc. Các trẻ này cần được giám sát trong những sinh hoạt như bơi lội hay đi xe đạp chẳng hạn.
Việc gì phải làm trước tiên khi trẻ bị động kinh?
Khi lên cơn động kinh nặng
- Bảo vệ cho bé khỏi bị chấn thương bằng cách dẹp đồ đạc cách xa cháu để cháu có lay động chân tay cũng không va phải vật gì cứng.
- Nới lỏng quần áo quanh cổ và lồng ngực cháu.
- Hãy ở bên bé cho tới khi hết cơn.
- Đừng cố cạy răng cháu ra, nếu cháu nghiền chặt hoặc nhét gì vào miệng cháu. Có tổn thương gì đến lưỡi thì cũng là xảy ra lúc bắt đầu lên cơn, do đó bạn chẳng thể làm được gì cho tới khi hết cơn.
- Một khi bé thôi không còn co giật mạnh nữa, hãy xoay nhẹ cho cháu nằm nghiêng một bên, để khỏi bị sặc vì lưỡi hay nước miếng.
- Hãy quan sát xem việc vì xảy ra khi bé lên cơn – tường thuật của bạn sẽ giúp bác sỹ chẩn đoán bệnh.
Khi lên cơn động kinh nhẹ
- Hãy hướng dẫn bé tới nơi an toàn nếu cháu đang ở ngoài đường hay gần cầu thang chẳng hạn.
- Hãy ở bên bé cho đến khi hết cơn.
Có cần đi khám bác sỹ không khi trẻ bị động kinh?
Hãy đi khám bác sỹ ngay sau khi hết cơn, nếu bạn nghĩ đó là một cơn động kinh nặng hay là sốt làm kinh. Hãy đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt nếu bạn nghĩ con mình lên cơn động kinh nhẹ.
Bác sỹ có thể làm gì khi trẻ bị động kinh?
- Nếu bé đã bị co giật, bác sỹ sẽ khám cháu và hỏi bạn về cơn đó để xác định là cháu mắc phải cơn dạng nào.
- Nếu bé bị co giật tái phát, cháu sẽ được giới thiệu đi bệnh viện để được thử nghiệm ở phòng xét nghiệm. Những xét nghiệm này có thể gồm những thử nghiệm máu định lượng đường glucose và canxi, một não điện đồ và có thể là một thử nghiệm quét não cắt lớp (brain scan) để phát hiện vùng nào bất thường trong não. Một số những thử nghiệm này cũng có thể sử dụng để chẩn đoán các cơn động kinh nhẹ.
- Bác sỹ chuyên khoa nhi bệnh viện sẽ kê toa thuốc chống co giật cho uống mỗi ngày để giảm tần số các cơn động kinh nặng. Không có thuốc chữa khỏi được động kinh.
- Bác sỹ nhi khoa sẽ kiểm tra lại định kỳ bệnh tình con bạn. Nếu trong một hai năm mà không có cơn nào, bác sỹ có thể quyết định giảm dần thuốc.
Giúp bé bằng cách nào khi trẻ bị động kinh?
- Có thể là một cú sốc khi bạn ý thức được là con mình bị động kinh. Cả bạn và bé sẽ cần lấy lại được lòng tự tin. Bạn có thể làm được việc này thông qua bác sỹ, khi ông có lời khuyên bạn cách đối phó với các cơn động kinh.
- Bạn hãy ghi lại tần số lặp lại các cơn động kinh nhẹ của bé để có thể thuật lại cho bác sỹ.
- Hãy quan sát bé kỹ càng và ghi nhận bất cứ khác biệt nào về mặt tâm trí hay nhân cách có thể là do thuốc gây nên. Điều quan trọng là việc bé uống thuốc được thực hiện theo liều lượng thích hợp để đừng gây nên bất cứ tác dụng phụ nào không mong muốn.
- Hãy đối xử với bé càng bình thường được chừng nào càng tốt. Hãy nói cho bạn bè và thầy cô của bé hay về bệnh của bé để họ đừng sợ hãi hay bị sốc lỡ bé lên cơn trước mặt họ.
- Hãy cho khắc một chiếc vòng đeo tay hoặc một tấm thẻ bài đeo cổ với những thông tin cần biết về bệnh động kinh của bé và cẩn thận nhắc bé lúc nào cũng phải đeo.
- Nếu người ta kê toa thuốc chống co giật cho con bạn, không bao giờ được ngưng cho bé uống mà không có ý kiến bác sỹ. Làm như vậy có thể gây nên một cơn động kinh nặng, kéo dài vài ngày sau đó.
- Hãy dạy cho bé nhận biết các dấu hiệu của một cơn động kinh khi sắp sửa lên cơn. Một số người đã từng bị động kinh trải qua những cảm giác lạ ví dụ như ngửi thấy mùi khó chịu, nhìn thấy méo mó, hoặc cảm thấy lạ trong bụng, ngay trước khi co giật. Người ta gọi đó là “hiện tượng thoáng qua – aura” và nếu bé đủ lớn để nhận biết những cảm giác này là dấu báo hiệu, có lẽ là bé có thể tránh được tai nạn.
Xem thêm:
Nội dung bài viết do Bác sỹ Miriam Stoppard (MD MRCP) biên soạn, Bác sỹ Nguyễn Lân Đính (Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em) dịch và được nghiên cứu, tổng hợp bởi Nhà thuốc Nhi Phúc Gia.