Giáo dục sớm cho trẻ là nhân tố quyết định

Giáo dục sớm là yếu tố quyết định

Chúng tôi bắt đầu dạy Thiên Nhất ngay từ khi còn trong bụng mẹ

Thứ nhất, tôi rất chú ý đến việc sinh hoạt và chế độ ăn uống của mình, sinh hoạt phải điều độ, ăn uống phải đủ dinh dưỡng. Thứ hai, chúng tôi cố gắng tạo không khí thoải mái, dễ chịu; chúng tôi thường xuyên cho cháu nghe các bài hát, bản nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng, đọc thơ ca, tản văn, xem triển lãm sách, tranh, đi dạo ở ngoại ô, đi du lịch. Thứ ba, hai vợ chồng tôi cố gắng bàn luận những vấn đề mang tính tri thức, nghệ thuật, hấp dẫn, hài hước, đôi lúc còn tổ chức một số hoạt động văn nghệ, như: đàn hát, khiêu vũ, đánh cờ v.v… Tất cả đều vì đứa con sắp chào đời. Khi đó, chúng tôi không quan tâm đến giới tính của con, mà chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để sinh được một em bé khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi, đáng yêu. Thiên Nhất chào đời ngày 27 tháng Tư năm 1990, ước vọng của chúng tôi đã thành hiện thực, điều chúng tôi nghĩ nhiều nhất khi đó là làm thế nào để nuôi dạy cháu thành tài.

Ngày thứ ba sau khi Thiên Nhất chào đời, chúng tôi bắt đầu bật cho cháu nghe nhạc dành cho trẻ sơ sinh, nói với cháu tất cả mọi thứ trong nhà như: tủ lạnh, ti vi, cửa sổ v.v… Sau khi cháu đầy tháng, chúng tôi bắt đầu tập luyện năm giác quan của cháu, nói chuyện với cháu, hướng dẫn cháu phát âm. Chúng tôi treo những quả bóng bay nhiều màu sắc sặc sỡ phía trên đầu cháu để dạy cháu phân biệt màu sắc, to nhỏ v. v… Tôi chỉ vào mũi của mình và nói: “Đây là mũi của mẹ”, sau đó chỉ vào mũi cháu nói: “Đây là mũi của Thiên Nhất”, đồng thời còn nói bằng tiếng Anh: “Nose”. Trẻ sơ sinh tuy chưa biết nói nhưng có thể cảm nhận được, nghe được và quan sát được khẩu hình phát âm của người lớn. Điều này có lợi cho việc rèn luyện thị giác, thính giác, ngữ cảm và khả năng chú ý cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ quen với việc tiếp nhận thông tin ngôn ngữ. Hai tháng sau, ngoài việc giảng, đọc và hát cho cháu nghe những bài đồng dao, bài hát thiếu nhi, chúng tôi còn đưa cháu đi chơi để mở rộng tầm mắt vào những dịp thích hợp. Có lần, chúng tôi đến cửa hàng bách hóa mua xà phòng thơm và kem đánh răng, khi chúng tôi nói với Thiên Nhất: “Đây là xà phòng thơm, dùng để rửa mặt, đây là kem đánh răng, dùng để đánh răng”, các nhân viên bán hàng và các khách hàng khác nhìn chúng tôi với ánh mắt khác thường, dường như họ đang nói: “Đồ thần kinh”, nhưng chúng tôi không hề ngại ngùng mà cảm thấy rất bình thường.

Bộ óc của trẻ có khả năng ghi nhớ rất cao

Bộ óc của trẻ sơ sinh như một trang giấy trắng, bạn rót vào đầu trẻ điều gì, chúng sẽ nhớ điều đó, khả năng ghi nhớ máy móc của chúng rất cao. Do đó, cho dù là ở nhà hay đi chơi, gặp thứ gì chúng tôi đều nói với cháu. Khi được bốn tháng tuổi, cháu đã có thể dùng ánh mắt để ra hiệu đâu là tủ lạnh, ti vi màu, cửa ra vào, cửa sổ, xe ô tô con, cây cối v.v… Sáu tháng tuổi, khi Thiên Nhất biết ngồi, chúng tôi mua cho cháu những tấm tranh, những bức ảnh để cháu xem và dạy cháu học. Ban đầu, cháu cầm lấy và xé ngay, chúng tôi không hề tức giận mà nhẫn nại dạy cháu: “Đây là đồ dùng học tập bố mẹ mua cho Thiên Nhất, xé hỏng là không được, con nên giữ gìn chúng cẩn thận nhé.” Chúng tôi dùng băng dính dán lại những bức tranh cháu xé rách trước mặt cháu và nhắc nhở cháu một lần nữa: “Con phải ngoan, biết nghe lời người lớn”. Sau tám tháng, Thiên Nhất đã có thể gọi bố, gọi mẹ rất thành thục, có thể tìm ra các chữ “người, miệng, gỗ, nước” trong hơn 30 tấm ghéo bằng gỗ. Để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là một hôm giống như thường ngày, tôi nói tiếng Anh với cháu. Khi tôi hỏi: “What time is it?” (Bây giờ mấy giờ rồi?) bỗng nhiên Thiên Nhất quay lại nhìn đồng hồ, tôi vui mừng khôn xiết, không kìm được hét lên: “Thiên Nhất hiểu tiếng Anh rồi”. Sau này, qua “kiểm tra” mới biết cháu đã có thể nghe hiểu mười mấy từ đơn tiếng Anh. Sự tiến bộ của cháu đã đem lại niềm vui và hạnh phúc vô bờ cho chúng tôi. Chúng tôi càng có niềm tin vào việc dạy cháu học.

Dạy mọi lúc khi bé đang thức

Thời gian ngủ của Thiên Nhất khá ít, mỗi khi cháu tỉnh giấc tôi lại dạy cháu nhận biết các sự vật. Khi gặp một sự vật mới, tôi đều cố gắng nói cho cháu biết chúng dùng để làm gì, có đặc điểm gì, và bảo cháu tự đến sờ, cầm thử, và xem đi xem lại. Khi tròn một tuổi, lúc cháu đã biết đi, tôi thường đưa cháu ra ngoài chơi, chỉ vào những chiếc xe tôi liền nói cho cháu biết đây là xe gì, dùng để làm gì, tôi còn cùng với cháu đếm số trên biển xe. Khi chơi cùng mỗi bạn, tôi lần lượt nói cho cháu tên của các bạn, đặc điểm của từng bạn, dạy cháu phải biết đoàn kết, thương yêu các bạn. Khi Thiên Nhất được một tuổi, cháu đã có thể nhận biết được các con số trong phạm vi 10, có thể phân biệt sáu màu: hồng, vàng, xanh lam, xanh lục, đen và trắng; hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật và hình tròn; nhận biết được hơn 400 bức tranh, nghe hiểu hơn 60 từ đơn tiếng Anh, cháu có thể nói ra từ cuối cùng của câu trong 20 bài đồng dao và thơ cổ với sự gợi ý của người lớn. Thiên Nhất đã tỏ ra là một đứa trẻ vô cùng lanh lợi, hoạt bát và ham học hỏi.

Con cái thành tài là mong muốn của tất cả các bậc cha mẹ

Khi Thiên Nhất được một tuổi rưỡi, chúng tôi đã tham gia khóa học “Phương án 0 tuổi” của trường Đại học Vũ Hán. Từ đó, chúng tôi nuôi dưỡng và dạy bảo cháu từng bước theo hướng nghiêm túc, quy phạm và hệ thống. “Phương án 0 tuổi” đã đem lại cho chúng tôi những hướng dẫn có ích và những gợi mở, động viên rất lớn, đồng thời củng cố thêm niềm tin, dũng khí và cổ vũ cho chúng tôi. Vào thời điểm này, chúng tôi bắt đầu chính thức dạy Thiên Nhất nhận biết chữ Hán, học tiếng Anh, học thuộc thơ, học làm toán.

Tham Gia Bình Luận

arrow
error: Nội Dung Có Bản Quyền - Không Thể Copy!!!